Từ hiện tượng phim nhà nước đặt hàng Đào, phở và piano gây sốt: Tìm lại “giấc mơ” thị trường
VHO - Sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt doanh thu cao khi ra rạp, các phim Nhà nước đặt hàng thời gian qua hầu như đều trong tình trạng “im hơi lặng tiếng”... Cho đến mùa phim Tết 2024, doanh thu nhiều trăm tỉ từ Mai của Trấn Thành có lẽ cũng không gây sửng sốt bằng cuộc bứt phá ngoạn mục của Đào, phở và piano .
Đào, phở và piano lấy bối cảnh trận chiến Đông Xuân kéo dài 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội
Cục Điện ảnh cho biết, dù gian nan nhưng đã đề xuất hướng phát hành bộ phim trên toàn quốc. “Giấc mơ” về một thị trường sôi động cho phim Nhà nước đang được tìm lại hình hài một cách rõ nét hơn.
“Cơn sốt” đến bất ngờ
Các nhà làm phim bất ngờ khi Đào, phở và piano gây “sốt vé” vào dịp Tết Giáp Thìn. Theo Box Office Việt Nam, doanh thu bộ phim hiện tại đã đạt hơn nửa tỉ đồng - con số ấn tượng đối với một phim Nhà nước được chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Tính riêng trong dịp cuối tuần qua, bộ phim đã bán được 2.234 vé, 19 suất chiếu với doanh thu 3 ngày là trên 134 triệu đồng. Doanh thu trong ngày 19.2 là trên 166 triệu đồng, với 3.322 vé được bán, phục vụ khán giả trong 16 suất chiếu. Với doanh thu này, Đào, phở và piano chỉ xếp hạng 3, sau hai “hoa hậu” phòng vé mùa Tết năm nay là Mai và Gặp lại chị bầu.
Ông Vũ Đức Tùng, Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho biết, những ngày qua, Trung tâm Chiếu phim quốc gia liên tục có những điều chỉnh nhưng vẫn không xuể bởi tình trạng “cháy vé” Đào, phở và piano, các suất chiếu liên tục kín chỗ. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả chia sẻ nhận xét, cảm nhận, bình luận về phim. “Nhằm rộng đường để phim Nhà nước đến với đông đảo khán giả, rạp sẽ chiếu tới khi nào phim không còn người xem thì mới thôi…”, ông Vũ Đức Tùng thông tin.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Cục đã có đề xuất với Bộ VHTTDL về việc phát hành bộ phim trên toàn quốc. “Cú bẻ lái” ngoạn mục của phim khiến các nhà quản lý, đơn vị phát hành và phổ biến ngỡ ngàng. Nhiều người còn cho rằng, tình trạng “cháy vé” Đào, phở và piano thậm chí còn gây sửng sốt nhiều hơn là doanh thu trên 300 tỉ đồng từ Mai của Trấn Thành. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Đào, phở và piano“cháy vé” là một tin vui. “Phim được khán giả ủng hộ do chất lượng tốt. Một bộ phim duyên dáng, đầy mỹ cảm, tiết tấu nhanh nên phù hợp với giới trẻ”, bà Nhã bày tỏ.
Mượn câu chuyện tình dung dị và lãng mạn, Đào, phở và piano toát lên khí chất bất khuất nhưng không kém phần lãng mạn của người Hà Nội trong thời chiến
Nâng tầm thương hiệu phim Việt
Box Office Việt Nam phân tích: Đào, phở và piano là trường hợp đặc biệt nhất khi chỉ chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia và tạo nên cơn sốt phòng vé đúng nghĩa, đến mức website của hệ thống liên tục bị sập vì quá tải lượng người đặt. Nếu được chiếu diện rộng, liệu bộ phim có đủ sức cạnh tranh với các tác phẩm thương mại khác không?
Bộ phim Đào, phở và piano đang gây ra hiện tượng chưa từng có sẽ khiến cho những nhà làm phim cần có cách nhìn mới hơn trong việc tiếp cận khán giả Ảnh: P.V
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, việc Đào, phở và piano cũng như Hồng Hà nữ sĩ ra rạp lần này và được đón nhận bởi đông đảo khán giả đã chứng minh rằng hoạt động phát hành đối với những bộ phim do Nhà nước đặt hàng có ý nghĩa quan trọng thế nào. “Thực tế cho thấy, phim Nhà nước đã nhận được sự quan tâm của khán giả, có thị trường và giúp làm đa dạng hơn thị trường điện ảnh, tạo điều kiện cho khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bình luận.
Ông Sơn cũng cho rằng, vấn đề vướng mắc lâu nay là chưa có cơ chế bảo đảm cho các bên liên quan đều có lợi ích khi phát hành các bộ phim này, dẫn đến khó khăn đưa phim ra rạp. Theo quy định đặc thù về phát hành phim Nhà nước, việc thí điểm chiếu những bộ phim đặt hàng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia - đơn vị phổ biến phim của Nhà nước - cũng khiến nhiều khán giả chưa thể tiếp cận rộng rãi các tác phẩm điện ảnh có giá trị này. “Cần có chính sách khuyến khích để có thêm các công ty phát hành, rạp chiếu, kể cả tư nhân và nước ngoài, tham gia tích cực hơn vào việc phát hành phim Nhà nước đặt hàng. Chỉ có như vậy, các tác phẩm này mới không bị lãng phí về đầu tư và quảng bá tốt hơn những giá trị nhân văn, lịch sử cách mạng đến với đông đảo công chúng, đúng với mong muốn đặt hàng của Nhà nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Beta Media và Cinestar mong muốn được chiếu Đào, phở và piano phi lợi nhuận tại tất cả các cụm rạp của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Minh Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phim truyện I, Giám đốc sản xuất Đào, phở và piano bày tỏ mong muốn phim sẽ được phát hành rộng rãi trên toàn quốc, cũng như việc Nhà nước chú trọng đầu tư kinh phí thích đáng cho việc phát hành, quảng cáo, quảng bá cho các bộ phim đặt hàng. “Có được sự quan tâm đúng mức, chính sách phù hợp thì điện ảnh Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển và trở thành ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế…”, ông Phương bày tỏ.
Dẫu có những bước phát triển đột phá nhưng với các nhà chuyên môn, việc hình thành một thị trường sôi động cho phim Nhà nước vẫn còn rất gian nan. Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, Đào, phở và piano là phim được nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng lại chưa có kinh phí phát hành. Vì thế, khi chiếu trên toàn quốc cần thêm quy định về tỉ lệ phần trăm cho nhà phát hành.
Những tín hiệu vui, dù ít dù nhiều, cũng khiến “giấc mơ” về một thị trường sôi động cho phim Nhà nước đang thành hình hài rõ nét hơn. Theo ông Nguyễn Minh Phương, nếu được nhà nước đầu tư một cách thích đáng, đặc biệt vào từng dự án phim, để các đơn vị sản xuất có đủ điều kiện thực hiện một cách tốt nhất ý tưởng của bộ phim thì tin rằng các tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường phim Việt.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: “Hoan nghênh các doanh nghiệp điện ảnh đồng hành, nâng tầm thương hiệu phim Việt” Trao đổi với Văn Hóa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Bộ VHTTDL đánh giá cao và đặc biệt hoan nghênh, khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh cùng đồng hành với Nhà nước trong công tác phát hành, quảng bá, góp phần nâng tầm thương hiệu phim Việt nói chung, phim Nhà nước đặt hàng nói riêng”. Hiện đã có hai doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media và Cinestar chủ động liên hệ với cơ quan chức năng của Bộ bày tỏ nguyện vọng được chiếu Đào, phở và piano tại các cụm rạp của mình. Tại Công văn gửi Cục Điện ảnh ngày 19.2, Công ty CP Beta Media cho biết, Đào, phở và piano là bộ phim mang nhiều ý nghĩa lịch sử, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, Công ty rất muốn đóng góp cho nền điện ảnh và giải trí nước nhà, mang những bộ phim có nội dung tốt và chất lượng đến với khách hàng. “Đặc biệt, với những bộ phim có giá trị về văn hóa, lịch sử Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ được chiếu rộng rãi trên màn ảnh phục vụ khán giả cả nước”, Beta Media cho biết. Ông Bùi Quang Minh (Shark Minh Beta), Chủ tịch Beta Group chia sẻ: “Chúng tôi có nguyện vọng được chiếu Đào, phở và piano tại 18 cụm rạp Beta Cinemas. Toàn bộ các chi phí liên quan trong quá trình chiếu phim sẽ do Công ty chịu trách nhiệm. Với tinh thần muốn đóng góp cho điện ảnh Việt, chúng tôi sẽ chiếu phim với mục đích phi lợi nhuận. Toàn bộ doanh thu bán vé chúng tôi xin nộp vào ngân sách Nhà nước để góp phần xây dựng lên những bộ phim có chất lượng nghệ thuật, thông điệp sâu sắc trong tương lai…”. Phó Tổng giám đốc Cinestar Trần Quang cũng cho biết, doanh nghiệp đã gửi Công văn đến Cục Điện ảnh đề nghị được chiếu Đào, phở và piano. “Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, chúng tôi nghĩ rằng mình cần có trách nhiệm phổ biến những bộ phim Việt hay đến với đông đảo công chúng. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà toàn bộ hệ thống rạp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng cần thấy được trách nhiệm này của mình”, ông Trần Quang nhấn mạnh. Đại diện cả hai công ty đều cho rằng, quyết định chiếu phim phi lợi nhuận không khiến họ phải đắn đo, bởi họ sẽ được thêm nhiều thứ khác, đó là niềm tin yêu của công chúng, khán giả... Bởi thế, nếu người xem tìm đến các cụm rạp của Beta Media, Cinestar để thưởng thức Đào, phở và piano trong những ngày tới tăng cao, hai doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tăng các suất chiếu nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người xem. Dự kiến, phim sẽ được chiếu trong thời gian sớm nhất ngay sau khi nhận được bản phim từ Cục Điện ảnh. BẢO NGÂN |
PHƯƠNG ANH